Ghé vào một số diễn đàn dành cho dân teen, mới thấy chủ đề “chán đời” không hiếm. Chán đời vì nhiều chuyện: bị bồ đá, bị điểm kém, vì bố mẹ mắng, hay thậm chí là “sao trời sinh ra tôi là con gái chứ không phải là con trai”.
Có nhiều câu trả lời hưởng ứng suy nghĩ “chán đời” tiêu cực đến rùng mình. Trên diễn đàn
www.n….com, một thành viên kêu: “Cuộc sống càng lúc càng bi đát”. Một thành viên khác trả lời: “Kết thúc là một sự khởi đầu”. Lại một thành viên khác: “Đúng lắm”. Những dòng chữ được quote nhiều lần. Một cô bé đang phân vân không hiểu mình sẽ phải làm gì khi mà những lời khuyên đều chỉ ra rằng cô nên tìm đến một sự kết thúc.
Thành viên những diễn đàn này hầu hết đều là những học sinh phổ thông, lứa tuổi dễ bị lôi kéo, dễ bị kích động. Và những lời nói tưởng như “vô thưởng vô phạt” trên mạng chẳng ai dám chắc sẽ không ảnh hưởng gì đến họ. Nhiều người vẫn chưa quên chuyện những cô cậu học trò rủ nhau đi tự tử ở Nhật Bản. Và chẳng ai dám chắc chắn rằng, những điều này còn lâu mới tới Việt Nam khi mà diễn đàn ảo là nơi mà “nói gì cũng được, nói gì cũng có thể tin”.
Minh, sinh viên năm cuối ĐH Ngoại thương, kể, cậu từng là thành viên ruột của một diễn đàn chuyên dành cho việc chat chit. “Nói chuyện, gõ gõ mãi cũng chán. Cả bọn thường rủ nhau đi chơi”. Chỉ cần một dòng nhắn trên mạng: “Chiều nay, 2h tại điểm hẹn cũ, karaoke”. Thế thôi nhưng có thể thành một nhóm tới vài ba chục người.
Số đó có khi chỉ biết gọi nhau qua nick, đến tên thật còn không rõ nói gì tới nhân thân của nhau. Nhưng ăn uống, chơi bời, hát hò và cũng “share” cực kỳ rõ ràng. Ngày này qua ngày khác, Minh thấy mình không đủ khả năng để tiếp tục theo những cuộc chơi đó. Minh tâm sự: “Có nhiều người sinh ra chỉ cần biết đến việc tiêu tiền. Họ có nhiều thời gian rảnh rỗi chẳng biết dùng vào việc gì”.
Nói đến tài “dạt vòm” phải kể tới Ánh (phố Đà Nẵng, Hải Phòng) và nhóm bạn của cô. Nhóm của Ánh gồm 20 người, đều 16-17 tuổi. Chung cảnh “chán đời”, muốn đi chơi cho đổi mới, tất cả kéo nhau từ Hải Phòng lên Hà Nội sau khi nhận được lời rủ của Ánh qua chat.
Được một tháng, những kẻ lần đầu xa nhà đều lần lượt bỏ về vì không chịu được, chỉ còn lại Ánh và cậu bạn trai trụ lại. Nghe một người bạn hay chat với Ánh kể: "Với cô bé này, chuyện bỏ nhà cùng bạn bè vi vu vài ngày là chuyện cơm bữa". Gương mặt hiền lành nhưng Ánh lại ăn nói kiểu “coi trời bằng vung”, sử dụng script (một cách để thực hiện những câu chửi tục mà không cần gõ phím nhiều) thành thạo lúc chat. 17 tuổi, không học hành, chỉ có tiêu tiền, chat và chơi bời, cuộc sống của cô bé là như vậy.
Những lời mời gọi “dạt vòm” qua mạng ngày càng trở nên phổ biến: Qua email, qua tin nhắn thành viên trên diễn đàn, qua offline… Minh cũng bảo hầu như diễn đàn nào cậu cũng đăng ký một vài cái nick rồi để email lại. Vậy nên chuyện nhận được những cái thư điện tử mời mọc đi chơi không hiếm.
“Hòm thư của mình hồi Yahoo chưa nâng cấp trung bình cứ 2 ngày phải xóa thư một lần. Hầu hết là thư mời mọc đi chơi, đi hát linh tinh”, cậu nói. Nội dung các thư chỉ là: “Một nơi rất tuyệt vời. Bạn đi cùng chúng tôi chứ” hay “Chán đời quá. Làm một cú rong chơi cho quên sầu nào” hay “rùng rợn” hơn: “Mai, 2h, tập trung xử lý một bọn nào đó”.